Thứ sáu, 19/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/04/2023
Góp ý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi): Nóng vấn đề quản lý OTT, Data Center, Icloud

Để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 4/2023, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Luật Viễn thông (sửa đổi) ngày 6/4/2023.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nguyên quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-TT.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo là các chuyên gia đầu ngành đến từ Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam và Hiệp hội Internet Việt Nam cùng sự hiện diện của Ban soạn thảo đến từ Cục Viễn Thông và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (Bộ Thông tin và Truyền thông). 

Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết, ý nghĩa của hội thảo là tạo diễn đàn cho các đại biểu là các nhà quản lý, nguyên quản lý cũng như các chuyên gia có thể trao đổi, góp ý một số nội dung Luật Viễn thông hiện hành triển khai chưa được khả thi trong thực tiễn và nhận định tính khả thi trong chính sách mới.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì Hội thảo.

Ông Tuấn cũng nêu một số vấn đề mong hội thảo quan tâm góp ý. Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông (sửa đổi) đã phù hợp hay chư? Nội dung thứ hai về sự phù hợp đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, gồm điều kiện bán buôn, điều kiện cung cấp dịch vụ viễn thông. Thứ ba, về tính khả thi của các quy định về chính sách mới trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) (chính sách về kinh doanh dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây, chính sách về quản lý dự trù ứng dụng internet trong viễn thông). Thứ tư, sự cần thiết, cơ chế hoạt động, tài chính của Quỹ viễn thông công ích. Thứ năm, về sử dụng chung hạ tầng di động. Thứ sáu, về quản lý dịch vụ viễn thông vệ tinh. Thứ bảy, quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông.

Trình bày về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đại diện Ban soạn thảo cho biết, mục đích xây dựng Luật là để cải chế chủ trương đường lối chính sách của Đảng trong giai đoạn mới và khắc phục tồn tại hạn chế của Luật cũ; giải quyết những vấn đề mới theo xu thế phát triển công nghệ theo nhu cầu phát triển của xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Thắng đại diện Ban soạn thảo trình bày về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Những vấn đề bất cập, khó khả thi khi triển khai thực tế của Luật Viễn thông 2009:

Về một số nội dung chính trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), qua quá trình tổng kết, rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành Luật, Ban soạn thảo nhận thấy trong Luật Viễn thông 2009 chỉ có một hình thức cấp phép không phù hợp với thực tiễn có nhiều loại mô hình cung cấp dịch vụ khác nhau, cần có quy trình quản lý chặt chẽ, quy trình thủ tục khác nhau. Mạng di động cũng được sử dụng khá nhiều về sim, thuê bao, hình thức thanh toán là tiền mặt. Hiện nay các quy định hiện trên mức Luật thì chưa có. Chúng tôi nâng mức quy định hiện hành, nghị định, thông tư lên mức Luật, trên cơ sở đó Chính phủ hướng dẫn chi tiết sử dụng tài khoản sim, tài khoản di động để thanh toán dịch vụ viễn thông di động. Đây không phải chính sách mới mà nâng cấp quy định cũ lên Luật.

Về hạ tầng, chúng ta vẫn đang phát triển một hạ tầng viễn thông mạnh, hạ tầng số. Để triển khai các hạ  tầng viễn thông trên nền phủ sóng, cung cấp các dịch vụ quang rộng cho người dân thì phần sử dụng trên đất công trước đây còn khó khăn. Lần này, trong dự thảo Luật đã cho phép triển khai các hạ tầng viễn thông trên đất công, trụ sở công. Trong dự thảo Luật này cũng mở rộng đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng có thể phối hợp chia sẻ trong hạ tầng viễn thông này. Và tăng cường quy định dùng chung hạ tầng viễn thông để tránh việc lãng phí xây dựng hạ tầng. Đây là nhóm điểm bất cập trong Luật cũ mà dự thảo lần này đã sửa đổi.

Về những điểm Luật cũ đã có nhưng khó khả thi khi triển khai thực tế. Điểm thứ nhất là đấu giá, trong Luật Viễn thông 2009 quy định đấu giá tài nguyên viễn thông, kho số và tên miền internet. Tuy nhiên, Luật ghi chung chung là tài nguyên, kho số đó có giá trị thương mại cao và vượt quá khả năng phân bổ vì vậy hiểu được khái niệm giá trị thương mại cao là như thế nào thì rất khó. Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt các nước ASEAN có Thái Lan, Singapore họ đã triển khai đấu giá, và kinh nghiệm thí điểm đấu giá biển số xe của Bộ Công an vừa rồi.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Với đấu giá tài nguyên cần xác định rõ tài nguyên nào đấu giá, quy trình thực hiện đấu giá tài nguyên nào giá trị cao thì do thị trường quyết định chứ không phải do cơ quan nhà nước quy định. Điểm thứ hai về trường hợp doanh nghiệp nợ phí nhưng lại không thu hồi được giấy phép gây ra vướng giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan thuế. Chúng tôi cũng sửa đổi, bổ sung cho phép thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp nợ đóng thuế phí, tránh việc nợ đọng lâu dài. Về Quỹ viễn thông công ích là cần thiết để phát triển các dịch vụ viễn thông công ích, đặc là biệt còn nhiều khu vực khó khăn cần sự hỗ trợ của nhà nước. Tham khảo trên thế giới có nhiều nước cũng duy trì quỹ này. Trong thời gian tới, các chương trình viễn thông công ích sẽ làm chặt chẽ hơn, triển khai nhanh hơn và tăng tính hiệu quả.

Những vấn đề mới trong Luật Viễn thông (sửa đổi):

Viễn thông với internet, công nghệ thông tin hội tụ rất lâu rồi, thành quả là chúng ta đã sử dụng mạng internet trong mấy chục năm qua. Theo Nghị quyết 52 và 29 xác định hạ tầng hội tụ là quan trọng và hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số, là nền tảng phát triển kinh tế số. Các dịch vụ hội tụ…. có đặc trưng rất rõ chúng tôi sẽ đưa vào quản lý trong Luật Viễn thông (sửa đổi). Cụ thể, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; OTT viễn thông (viber, zalo,…). Điện toán đám mây và OTT đang nở rộ, thể hiện rõ bản chất của dịch vụ viễn thông và sản phẩm của sự hội tụ.

Về dịch vụ viễn thông vệ tinh, trước đây chúng ta chỉ sử dụng vệ tinh địa tĩnh, hiện tại dịch vụ viễn thông tầm thấp là cung cấp hẳn dịch vụ internet. Đây là một thành tựu mà chúng ta có thể sử dụng. Tuy nhiên, nó liên quan đến vấn đề an ninh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Đặc thù của loại hình này là cung cấp dịch vụ qua vệ tinh. Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quản lý chặt chẽ, thể chế hoá quy định này; thiết lập các quy định về mặt kỹ thuật để khi các doanh nghiệp cung cấp nước ngoài vào thì đảm bảo được các điều kiện kỹ thuật giải quyết vấn đề an toàn an ninh. Và khi vào Việt Nam thì phải hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có giấy phép cung cấp dịch vụ.

Về quản lý bán buôn viễn thông, chúng ta có bán lẻ nhưng trong xu thế 5G thì các hạ tầng này có thể coi như dịch vụ công nghệ, các doanh nghiệp có thể xây dựng hạ tầng cho thuê hay bán lại.

Góp ý từ các chuyên gia:

Chuyên gia Phạm Bạch nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Môi trường đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Góp ý về Luật Viễn thông (sửa đổi), ông Phạm Bạch - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Môi trường cho rằng cần đặt vấn đề quản lý các loại dịch vụ OTT, icloud như thế nào cho phù hợp. “Ta phải xác định phương thức truyền dẫn của nó, ai là chủ thể hay doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này. Nếu ta xác định được chủ thể thì mới đặt vấn đề quản lý, chứ chúng ta không thể học Trung Quốc được. Bởi Trung Quốc gần như là một mạng riêng, kín với thế giới mà chúng ta không có một hệ thống riêng đang phải phụ thuộc phải vào internet quốc tế. Vấn đề là chúng ta có xác định được doanh nghiệp mà cung cấp các dịch vụ đó hay không, ai là chủ thể, trong nước hay ngoài nước?”.

Ông Bạch cũng nêu ý kiến, trong Luật Viễn thông (sửa đổi) chỉ mới phân loại các loại hình kinh doanh dịch vụ chưa thấy phân loại nhà cung cấp dịch vụ. Theo tôi được hiểu, hiện nay có nhà mạng viễn thông có hạ tầng, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản và có một loại doanh nghiệp họ không có hạ tầng, họ chỉ mua hoặc thuê một dung lượng nào đó ở một vùng địa phương với doanh nghiệp có hạ tầng để họ kinh doanh. Bên cạnh đó, một loại hình doanh nghiệp vừa có hạ tầng ở địa phương này nhưng họ lại mua một số các dung lượng của doanh nghiệp khác ở địa phương khác để kinh doanh. Mỗi loại hình doanh nghiệp có hoạt động và đặc thù khác nhau. Trong Luật chỉ quy định chung một điều về trách nhiệm, quyền nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông như vậy thì chưa khái quát, cần phải thêm các loại hình chưa phân loại.

Các chuyên gia Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam đóng góp ý kiến:

Chủ tịch Hội VTĐT VN -  TS.Trần Đức Lai đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Đối với dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội VTĐT TS.Trần Đức Lai ủng hộ sự cần thiết phải sửa đổi. Theo ông, quá trình phát triển của viễn thông, của ICT trên thực tiễn có nhiều thay đổi và hội tụ về công nghệ, dẫn tới sự hội tụ về quản lý, về cung cấp dịch vụ, về thái độ của khách hàng với từng dịch vụ. Ông đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã làm tương đối bài bản, theo đúng văn bản về xây dựng quy phạm pháp luật, có đánh giá Luật cũ, có đi khảo sát, có tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt là một số chủ trương phát triển mới của Đảng, Nhà nước để đưa vào trong Luật Viễn thông (sửa đổi). Bên cạnh đó, Luật lần này đã đưa vào các vấn đề mới phát sinh để quản lý như OTT, icloud, vệ tinh quỹ đạo thấp.

Tuy nhiên, ông Lai cũng đề nghị phải trả lời được câu hỏi các dịch vụ mới như OTT, icloud, các trung tâm dữ liệu có thuộc lĩnh vực viễn thông hay không? cần làm rõ trong dự thảo Luật về Hạ tầng số (như Tờ trình đã có đề cập) thì sẽ rõ hơn vấn đề này và nếu có thì chúng ta quản lý đến đâu và mong muốn quản lý như thế nào cần phân tích kỹ hơn, nhất là kinh nghiệm quốc tế.

Đối với Quỹ Viễn thông công ích, ông Lai khẳng định cần thiết phải duy trì tiếp, đây là trách nhiệm của Nhà nước để cung cấp, duy trì, phát triển các dịch vụ phổ cập cho người dân, cũng là kinh nghiệm và bài học của rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên để khắc phục các bất cập khi triển khai trong thời gian qua như báo cáo đánh giá đã nêu cần xem xét điều chỉnh, bổ sung thế nào là dịch vụ phổ cập được áp dụng cho viễn thông công ích (ví dụ: dịch vụ di động, các điểm truy cập internet cộng đồng tại một số địa bàn, các trường học, bệnh viện…?)

Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Cho có ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông (sửa đổi), ông Đoàn Quang Hoan - PCT Hội VTĐT cho biết, hiện có nhiều Luật liên quan đến ICT trong đó lưu ý Luật Viễn thông và Luật Công nghệ thông tin (CNTT). Cả 2 Luật này đều định nghĩa dịch vụ, điểm khác là Luật Viễn thông để quản lý và điều chỉnh thị trường viễn thông còn Luật CNTT mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT. Cho nên, mặc dù 2 Luật đều có khái niệm dịch vụ nhưng nó sẽ được sử dụng khác nhau.

Nêu ý kiến về trao đổi thông tin vệ tinh, ông Hoan chia sẻ: “Khi làm Luật Viễn thông hiện hành lúc bấy giờ không phải là chúng ta không có thông tin vệ tinh hay internet qua vệ tinh mà hiện nay mở rộng và cung cấp với quy mô lớn hơn, với những hình thức công nghệ khác nhau. Vì vậy, có thể Luật quá mới để chúng ta nghĩ cách phải điều chỉnh như thế nào. Tôi ủng hộ cách thức điều chỉnh như từ trước đến nay”.

GS.TS Trần Xuân Nam, Phó Giám đốc Học viện Quân sự đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

GS.TS Trần Xuân Nam, Phó Giám đốc Học viện Quân sự đánh giá Luật Viễn thông (sửa đổi) đã đáp ứng được nhu cầu phát triển mạng viễn thông cũng như các dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet hiện nay. Theo ông: “Ban soạn thảo đưa ra 3 khái niệm (dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ cơ bản internet) thì tôi đồng ý với ý kiến của ông Đào Xuân Hoan - Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử là dịch vụ cơ bản internet vẫn là dịch vụ viễn thông. Tôi cho rằng khái niệm dịch vụ cơ bản internet là không cần thiết. Tại điều 25 trong Luật, chúng ta đưa ra một cơ chế để quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là OTT. Cụ thể, trong Luật có nêu “khi mà cung cấp dịch vụ mà có số lượng lưu lượng vượt ngưỡng hoặc cung cấp dịch vụ Data Center hoặc dịch vụ Điện toán đám mây thì phải có thoả thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam”. Tôi cho là rất khó, vì chúng ta muốn quản lý nhưng có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ nên chúng ta không thể quản lý hết được. Chúng ta có thể yêu cầu Google hay Amazon đặt văn phòng tại Việt Nam nhưng còn rất nhiều nhà cung cấp nhỏ khác không thể quản lý được”.

TS. Lê Bá Tân - Phó TGĐ Tập đoàn Viettel đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

TS. Lê Bá Tân - Phó TGĐ Tập đoàn Viettel cho rằng việc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông (sửa đổi) đến từ quan điểm của Quốc hội cũng như của Bộ TT&TT. “Hiện nay, dịch vụ số đang trên đà phát triển thậm chí còn lấn át các dịch vụ viễn thông truyền thống. Theo số liệu của các nhà mạng hiện nay, tỷ lệ suy giảm của dịch vụ thoại chiếm 30% và lượng data, số phút gọi không phải mạng di động truyền thống (OTT) đang tiến đến xu thế ngang nhau. Về các hình thức liên lạc bây giờ đang có video call, chat, quay video gửi cho nhau,…. Đối với những hành vi này chúng ta cần có quan điểm mới để đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng và còn các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do vậy cần tuy duy Luật này theo hướng mở rộng”. Ông Tân cũng nêu quan điểm cần duy trì Quỹ viễn thông công ích, thậm chí còn phải mở rộng. Vì bà con nghèo ở miền núi, hải đảo hiện giờ cần smartphone, các dịch vụ số dành cho giáo dục.

Ths.Nguyễn Hồng Sơn - TGĐ Công ty OSB đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ths.Nguyễn Hồng Sơn - TGĐ Công ty OSB: “Về Quỹ viễn thông công ích, hiện nay bài toán thu nhiều mà không chi được. Quỹ này là cần thiết, chúng ta cần nới việc mở rộng, triển khai theo các quy chuẩn dịch vụ và các đối tượng. Về dịch vụ xuyên biên giới, về khái niệm gồm dịch vụ vệ tinh và dịch vụ OTT. Đối với dịch vụ vệ tinh, tôi nghĩ vẫn để quy định như cũ là cần đi qua một cơ chế kiểm soát quốc gia và mô hình kỹ thuật nào để triển khai bài toán kiểm soát đó. Đối với dịch vụ OTT hiện nay chúng ta đang thấy là cung cấp miễn phí nhưng bản chất là một mô hình kinh doanh khác. Chúng ta phải xem là họ thu tiền từ đâu. Hiện nay chúng ta đang quản lý viễn thông là tài nguyên tần số, tài nguyên kho số vậy chúng ta coi data của người sử dụng, của thị trường là tài nguyên thì chúng ta quản lý các đơn vị OTT theo cách họ khai thác data thì phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Trần Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Viễn thông công ích trình bày nội dung liên quan.


Ths.Nguyễn Văn Dư, Phó trưởng ban KHCN và Tư vấn Hội VTĐT đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ths.Nguyễn Văn Dư, Phó trưởng ban KHCN và Tư vấn Hội VTĐT: “Về vấn đề Điện toán đám mây, hiện nay một số ngân hàng đã bắt đầu từ bỏ dịch vụ DC trong nước và tự xây dựng DC riêng, chuyển sang lưu trữ trên Amazon. Giả sử các ngân hàng thương mại chuyển hết ra nước ngoài vậy thì vấn đề về an ninh tài chính tiền tệ và an ninh quốc gia sẽ như thế nào?”.

Các góp ý từ Hội Tin học Việt Nam:

Ông Phùng Văn Ổn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ông Phùng Văn Ổn, PCT Hội Tin học Việt Nam góp ý một số vấn đề để cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh. “Thứ nhất, liên quan đến phạm vi, tôi thấy đúng với luận giải rằng CNTT-TT đang dần hội tụ và tích hợp nhiều vấn đề với nhau. Nhưng chúng ta hiện nay đang tách bạch nhiều lĩnh vực chuyên ngành và như vậy mỗi lĩnh vực chuyên ngành trong ICT lại cố gắng để bao trùm vào phần mình. Theo tôi là không nên. Cho dù luận giải thế nào đi chăng nữa thì cũng không nên đưa việc quản lý Data center, Glacophimting vào trong Luật này. Chúng ta nên tách bạch lĩnh vực viễn thông để làm rõ được nội hàm, phạm vi điều chỉnh.

Về vấn đề quản lý OTT, hiện nay OTT giúp cho người dân rất nhiều, có lợi cho người dân. Khi chúng ta làm về quản lý thì cái gì có lợi cho dân phải ủng hộ, không nên quản lý quá chặt chẽ. Chúng ta cũng khó có thể xác định được đối tượng quản lý vì các dịch vụ này thông qua các nhà cung cấp các dịch vụ khác”.

Về quỹ viễn thông công ích, theo ông Phùng Văn Ổn quỹ này đã rất tốt trong quá khứ, nhưng hiện tại và tương lai có còn phát huy được nữa hay không cũng cần phân tích và làm rõ.

Ths. Nguyễn Long, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Theo ông Nguyễn Long, PCT Hội Tin học Việt Nam các Luật trong ngành ICT không nên chồng chéo nhau. Về OTT và trung tâm dữ liệu đang cần thúc đẩy nên cũng phải có cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển. Ông Long cũng đề nghị làm rõ vai trò của nhà nước trong đầu tư, cơ chế khuyến khích đầu tư, cơ chế sử dụng và dùng chung tài nguyên, sử dụng quỹ đất địa phương để dùng chung, chia sẻ.

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Viễn thông là phải thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định quy định về cơ chế đầu tư/thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông quan trọng nhự hạ tầng trạm cáp quang cập bờ, hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia/khu vực, hạ tầng trung tâm tính toán hiệu năng cao.

Do đó, đề nghị bổ sung và quy định rõ nhà nước có trách nhiệm đầu tư những nội dung gì, doanh nghiệp trong nước được đầu tư những nội dung nào, doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư những nội dung nào. Đề nghị rà soát và quy định rõ hạ tầng viễn thông được nhà nước đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng nào theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 để bảo đảm hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác. Đề nghị quy định rõ việc đầu tư, xây dựng, phát triển công trình viễn thông trên các loại tại sản công theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó cho phép và ưu tiên công trình viễn thông được khai thác các tài sản công khác để phục vụ phát triển mạng lưới viễn thông.

PGS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng ĐHQGHN đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

PGS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng ĐHQGHN góp ý về mặt quản lý nếu cái nào không chắc chắn quản lý được thì nên hạn chế đưa vào Luật để tránh làm giảm hiệu lực của Luật. “Quan điểm của tôi, mỗi Luật có những mặt phục vụ quản lý nhà nước, những mặt khác cũng phải tạo động lực phát triển ngành, lĩnh vực đó. Trong Luật này vẫn đang nặng về quản lý thế nào còn về thúc đẩy phát triển thì đâu đó chưa được rõ. Chúng ta cần phải có điều khoản để tạo cơ sở, điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiến tới làm chủ công nghệ, từ đó cung cấp các dịch vụ mang bản sắc nội lực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tôi thấy đây vẫn chỉ là trách nhiệm xã hội chưa thấy đóng góp để tạo động lực cho ngành phát triển. Tôi nghĩ cần có một điều khoản quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm để cho phép các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, thậm chí các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực viễn thông có thể truy cập và sử dụng các dịch vụ sẵn có của hạ tầng hay công nghệ viễn thông này, để phát triển những công nghệ mới.

Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ông Lê Hồng Hà, PCT Hội Tin học Việt Nam cho biết, thế giới đã ban hành về Luật Viễn thông và các Luật khác: “Chúng ta đang tranh luận là OTT, Data Center, Internet vệ tinh có đưa vào Luật không. Tôi tham khảo trên thế giới thì thấy có rất nhiều nước đưa vào và cũng nhiều nước không đưa vào. Theo tôi việc đưa vào hay không đưa vào nó phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của họ, người ta không đưa không có nghĩa là họ không quan tâm, không quản lý. Và quan điểm của Chính phủ Việt Nam là nên đưa vào, nhưng đưa vào thì đưa vào đâu? Hiện nay có rất nhiều dịch vụ như OTT, Icloud,… có nhiều hơi hướng của CNTT vì nó là xu thế hội tụ của CNTT và Viễn thông. Việt Nam đang có Luật Viễn thông, sắp tới có Luật Công nghiệp Công nghệ số vậy thì chúng cân nhắc xem nên đưa vào Luật nào cho phù hợp.

Ý kiến đóng từ Hiệp hội Internet Việt Nam:

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, Luật Viễn thông cần bao quát toàn bộ các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội, nhưng có vẻ Luật Viễn thông (sửa đổi) đang hơi nặng về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Có vẻ như Luật cũng đang xác lập quyền của cơ quan quản lý nhà nước hơn là về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với mục tiêu phát triển đời sống xã hội của lĩnh vực này. Một điều nữa là trong Luật đang dùng giải thích từ ngữ như là thay thế cho định nghĩa, theo tôi là không phải. Định nghĩa có giá trị pháp lý khác, nếu chúng ta không có sự phân loại tốt, chúng ta không định nghĩa rõ ràng thì luật này chồng chéo luật kia”.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Phương Tuấn đánh giá rất cao sự tham gia của các đại biểu nguyên là lãnh đạo Bộ TT&TT, các nhà quản lý, các chuyên gia của các Hội, Hiệp hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho Hội thảo.

Ông Tuấn cũng cho biết, sáng 17/4, Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Thường vụ Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo về Luật Viễn thông (sửa đổi) để quyết định có đưa ra xin ý kiến của Quốc hội hay không.

 Ngọc Mai

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0