Thứ sáu, 19/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 17/03/2009
Hội Tin học Việt Nam kiến nghị các điều chỉnh chính sách về thuế liên quan đến Công nghệ thông tin

Ngày 27/2/2009 tại Hà Nội đã tổ chức buổi toạ đàm giữa Bộ Thông Tin và Truyền thông với các Hội và Hiệp hội CNTT trao đổi về chính sách thuế trong lĩnh vực CNTT, tại buổi tọa đàm đại diện các Hội và Hiệp hội đã trình bày các bất cập về chính sách thuế với CNTT cho các doanh nghiệp tại thời khó khăn hiện nay và kiến nghị cần có các điều chỉnh bổ xung cho phù hợp. Tiếp theo, Hội Tin học Việt Nam đã thu thập ý kiến và gửi văn bản chính thức tới Bộ Tài chính và Bộ Thông Tin và Truyền thông các kiến nghị có liên quan. Dưới đây là nội dung công văn của VAIP: 

Chỉ thị 58 của Bộ chính trị về "đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã nêu rõ “Công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển” và “Công nghệ thông tin là lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư”. Luật Công nghệ cao, được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009, cũng xếp công nghệ thông tin là một trong bốn lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, được “hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”. Từ năm 2000 đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để cụ thể hóa các chủ trương này, như:

- Nghị quyết 07/2000/NQ-CP ngày 5 tháng 6 năm 2000 của Chính phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000 – 2005;

- Quyết định 128/2000/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm;

- Quyết định 235/QĐ-TTG ngày 02/03/2004 phê duyệt Dự án tổng thể "ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008";

- Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 về đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước.

Các chủ trương này cũng được thể hiện rất rõ ràng trong các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghị định, các thông tư hướng dẫn thi hành các luật trên từ năm 2007 trở về trước.

Tuy nhiên một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây đã không còn thể hiện đầy đủ các chủ trương trên của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trên cơ sở các kiến nghị của các tổ chức, các doanh nghiệp và các cá nhân hội viên của mình về vấn đề thuế liên quan đến CNTT, Hội Tin học Việt Nam gửi Bộ Tài chính và Bộ Thông tin & Truyền thông các kiến nghị cụ thể sau:

1. Về thuế thu nhập doanh nghiệp
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này quy định: Ưu đãi về thuế TNDN chỉ còn áp dụng cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và không còn áp dụng cho các hoạt động liên quan khác như: Dịch vụ phần mềm, cung cấp nội dung thông tin số v.v.
Việc quy định như vậy không phản ánh đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm do ngành công nghiệp phần mềm không chỉ có sản xuất sản phẩm phần mềm mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác của dịch vụ phần mềm như tư vấn phần mềm, tích hợp, cung cấp hệ thống, dịch vụ chuyên nghiệp về phần mềm; gia công phần mềm; dịch vụ xử lý dữ liệu, sản xuất nội dung thông tin số, dịch vụ huấn luyện, đào tạo và dịch vụ tổ chức xuất khẩu lao động phần mềm v.v. Trong rất nhiều dự án phần mềm, rất khó có thể tách bạch được công việc nào là thuộc về sản xuất sản phẩm phần mềm, công việc nào là thuộc về dịch vụ phần mềm.
Vì vậy Hội Tin học Việt Nam kiến nghị: các hoạt động dịch vụ phần mềm cũng được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp  như hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.

2. Về thuế giá trị gia tăng
Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này quy định:

Sản phẩm phần mềm thuộc diện đối tượng không chịu thuế GTGT và vì vậy không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Quy định như vậy về thực chất là gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phảm phần mềm khi phải chịu thêm khoản thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ của các sản phẩm, dịch vụ sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm phần mềm. Quy định này về thực chất đã biến người sản xuất thành người sử dụng do đó không phản ánh đúng chủ trương khuyến khích đầu tư, sản xuất sản phẩm phần mềm.

Thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm phần cứng máy tính là 10%, có nghĩa là sản phẩm phần cứng máy tính không còn thuộc diện khuyến khích đầu tư phát triển như giai đoạn trước đây. Các thông tư 13/2009/TT-BTC ngày 22/01/2009 và 18/2009/TT-BTC ngày 30/01/2009 của Bộ Tài chính chỉ quy định giảm 50% mức thuế suất này (tức là quay về mức thuế suất 5%) cho đến hết ngày 31/12/2009. Sau ngày đó, mức thuế suất thuế GTGT cho sản phẩm phần cứng máy tính là bao nhiêu hiện vẫn chưa thể biết được. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn không nhỏ cho công tác lập kế hoạch mua sắm, lập dự toán, quyết toán cho các dự án CNTT sẽ triển khai trong năm 2010 và các năm sau đó nữa.
Vì vậy Hội Tin học Việt Nam kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật thuế GTGT như sau:

Chuyển phần mềm máy tính từ nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT sang nhóm đối tượng chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối với phần mềm máy tính là 0%.

Thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm phần cứng máy tính là 5%.

3. Về thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất thiết bị phần cứng máy tính
Theo quy định của biểu thuế ACFCA 2009, các sản phẩm thành phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN và CHND Trung Hoa với it nhất 40% hàm lượng của sản phẩm có xuất xứ từ bất kỳ bên nào thuộc ACFTA sẽ được áp dụng thuế suất nhập khẩu 0%. Do hầu hết các hãng máy tính và linh kiện máy tính lớn trên thế giới như IBM, HP, Dell, Acer v.v. đều đặt cơ sở sản xuất chính ở một trong các nước nói trên, nên thực tế thuế suất thuế nhập khẩu thiết bị nguyên chiếc của các thương hiệu này đều bằng 0%. Trong khi đó thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, một số cụm linh kiện vào Việt Nam vẫn là 5% hoặc 6%. Điều này tạo ra sự bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước, khuyến khích hoạt động mua bán thuần túy máy tính mà không khuyến khích hoạt động sản xuất máy tính trong nước.
Vì vậy Hội Tin học Việt Nam kiến nghị: Thuế suất thuế nhập khẩu đối với các linh kiện, cụm linh kiện cho sản xuất thiết bị phần cứng máy tính là 0%.

Trên đây là toàn bộ các kiến nghị của Hội Tin học Việt Nam về chính sách thuế cho ngành CNTT. Rất mong Bộ Tài chính và Bộ Thông tin & Truyền thông xem xét hoặc trình Quốc hội giải quyết để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

VAIP 10/3/2009

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0