Thứ sáu, 19/04/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 01/04/2009
Kích cầu đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, sao lại không?

Lời BBT: Cùng với các chính sách kích cầu như đã làm hiện nay, thiết nghĩ, các biện pháp khác cũng rất cần được Chính phủ đưa ra để giúp đưa nền kinh tế vượt qua cơn khủng hoảng tài chính hiện nay. Kích cầu trong lĩnh vực CNTT-TT đã được nhiều Chính phủ các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Hàn Quốc ... đưa ra. Nhằm giới thiệu về các giải pháp kích cầu trong lĩnh vực CNTT-TT, VAIP xin giới thiệu bài phát biểu của TS. Trần Văn, Đại biểu Quốc hội tại “Diễn đàn Kinh tế Chính phủ các nước Đông Nam Á về “Thúc đẩy kích cầu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin”  vào ngày 24 tháng 3 năm 2009 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc gia nhập WTO 3 năm trước đây. Quá trình hội nhập này một mặt thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng giao lưu thương mại, thu hút nhiều nguồn vốn, mặt khác, nền kinh tế cũng chịu nhiều tác động xấu của kinh tế thế giới khi nó biến động.

Việt Nam được coi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề ở châu Á từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu do xuất nhập khẩu suy giảm mạnh do cầu thế giới giảm; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng khách du lịch và dịch vụ giảm; giá cả hàng hóa giảm, tiêu thụ khó khăn; kiều hối giảm do việc làm và thu nhập của người lao động Việt Nam ở nước ngoài giảm…Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 được Quốc hội thông qua cuối năm 2008 là 6,5%. Tuy nhiên, các kịch bản mới nhất của Quỹ tiền tệ thế giới cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể chỉ đạt dưới 5%.

Do đó, để chống suy giảm tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ Việt Nam đang triển khai các gói kích cầu với quy mô khoảng 6 tỷ đô la Mỹ bằng khoảng 6% GDP, với kỳ vọng tăng thêm 1% GDP. Gói kích cầu được quyết định trong bối cảnh các cân đối vĩ mô rất khó khăn. Theo kế hoạch kích cầu đã được công bố, gói kích cầu thứ nhất quy mô 17.000 tỷ đồng lấy từ nguồn dự trữ quốc gia, được sử dụng để bù lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn sản xuất, làm hàng xuất khẩu, xuất khẩu dịch vụ,… Với việc bù 4% lãi suất vay ngân hàng, Chính phủ quyết tâm huy động được nguồn vốn xã hội khoảng 420 ngàn tỷ đồng vào sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm.

Tiếp đó, theo Bộ Tài chính, các giải pháp về tài chính với hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn và điều chỉnh nhiều sắc thuế sẽ để lại cho cộng đồng doanh nghiệp và dân cư trên 10.000 tỷ đồng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Bên cạnh đó, khoảng 36.000 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 4. Nguồn vốn này được sử dụng cho phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, nhà ở công vụ cho giáo viên vùng sâu, y tế tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, nhi, lao phổi. Nguồn vốn này cũng được sử dụng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cấp bách, cấp thiết là những nút “thắt cổ chai” của nền kinh tế, để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong giải pháp kích cầu của Chính phủ, vị trí của ngành công nghệ thông tin còn rất khiêm tốn, trong khi CNTT có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Trong chừng mực nào đó, có thể coi hạ tầng CNTT của Việt Nam hiện nay là một trong những “điểm nghẽn tăng trưởng” của nền kinh tế.

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, trong gói kích cầu của Mỹ 787 tỷ USD, thì 0,91% được dùng để phát triển băng thông rộng, 2,8% ứng dụng CNTT trong y tế, 1,7% để đầu tư ứng dụng CNTT trong sử dụng hợp lý và tiết kiệm năng lượng và 1,5% để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D); trong 10,8 tỷ USD kích cầu của Canada, 4,6% đầu tư ứng dụng CNTT trong y tế, 2,1% đầu tư phát triển băng thông rộng ở nông thôn và 10,5% đầu tư cho R&D. Malaysia dành 1,7 tỷ USD trong gói kích cầu 19 tỷ USD để xây dựng thư viện điện tử, trung tâm cộng đồng băng thông rộng với mục tiêu đến năm 2010 nâng hơn gấp 2 lần số hộ gia đình kết nối internet tử 21% hiện nay lên 50% và cấp 4 giấy phép WiMAX phủ sóng 40% số hộ vào cuối năm 2009. Ở Hàn Quốc, ngay sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, chính phủ đã cho các hộ gia đình thu nhập thấp thuê 50.000 máy tính trong 4 năm và cung cấp miễn phí kết nối internet băng thông rộng trong 5 năm, cung cấp miễn phí máy tính cho các trường học.

Người ta cũng đã tính được rằng, phát triển băng thông rộng, giá trị tăng thêm của cộng đồng sẽ gấp 18-20 lần so với lợi ích của nhà khai thác mạng. Nếu chậm trễ trong phát triển mạng, cứ 3 năm giá trị tăng thêm sẽ giảm đi 25%. Theo các chuyên gia quốc tế, trong 3 năm thực hiện chương trình phát triển kết nối internet, với nguồn vốn chỉ 7 triệu USD, trong đó ngân sách địa phương chiếm 80%, bang Kentucky, Hoa Kỳ đã tăng số hộ gia đình kết nối internet băng thông rộng từ 60% năm 2005 lên 97% năm 2008, mang lại 63.000 việc làm mới với tổng thu nhập từ lương 2,1 tỷ USD, tiết kiệm 22,6 triệu USD tiền khám chữa bệnh, 92,1 triệu USD tiền xăng xe đi lại hàng năm, giảm 46,7 triệu galông khí thải carbon hàng năm ở bang Kentucky, tính chung cho toàn Hoa Kỳ, hiệu quả mang lại khoảng 134 tỷ USD.

Theo tính toán của Tập đoàn Intel, tại Hoa Kỳ, cứ tăng 7% số thuê bao internet băng thông rộng, sẽ tạo ra 134 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, 2,35 triệu việc làm mới, giảm thiểu 3,2 tỷ galông khí thải carbon hàng năm. Việt Nam hiện mới có khoảng 2 triệu thuê bao internet băng thông rộng, chiếm khoảng dưới 10% số hộ gia đình, cũng bằng với bình quân tỷ lệ phủ internet của thế giới với 400 triệu người sử dụng so với 4 tỷ người mong muốn được sử dụng internet. Vì vậy, tiềm năng phát triển còn rất lớn. 

Do đó, cộng đồng CNTT thấy rằng, đây có thể là cơ hội để tạo sự đột biến trong phát triển hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong hàng loạt lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ có thể nghiên cứu đưa vào gói kích cầu các chương trình như: ứng dụng CNTT trong chuẩn đoán và khám chữa bệnh từ xa (có thể lồng ghép trong chương trình trái phiếu Chính phủ về y tế); CNTT trong học tập và giảng dạy (lồng ghép với chương trình kích cầu giáo dục, hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay để học tập); trong phát triển Internet băng thông rộng cho vùng sâu, vùng xa, phục vụ giao dịch thương mại trực tuyến, theo dõi thị trường giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp, tư vấn khuyến nông, khuyến ngư (lòng ghép trong chương trình kích cầu ở nông thôn, hỗ trợ nông dân); chỉ đạo, điều hành trực tuyến hoạt động của nhà nước; tuyên truyền phổ biến chính sách, thông tin về môi trường và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ biến đổi khí hậu;… Hàng triệu máy tính và hạ tầng CNTT, viễn thông sẽ được đầu tư, tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Phát triển băng thông rộng không dây sử dụng công nghệ WiMAX là con đường nhanh nhất để mọi người có thể đến với internet, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long hay miền núi phía Bắc.

Vì vậy, ngoài những chính sách về miễn, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu,… thực hiện chung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các DN sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, cho nông nghiệp, nông thôn; ngoài những chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh cho DN vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam, cần có những gói kích cầu riêng cho ngành công nghệ thông tin, cả về phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông, phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Ngoài tác động trực tiếp tới tăng truởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết việc làm, băng thông rộng còn có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế quốc dân như y tế, giáo dục, điện năng, giao thông, môi trường,... Với những thông tin sơ bộ như đã trình bày ở trên, cộng đồng CNTT mong được Bộ Thông tin và truyền thông, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu sâu hơn, để Quốc hội và Chính phủ sớm có những quyết sách thích hợp, hình thành và đưa ra gói kích cầu cho lĩnh vực công nghệ cao càng sớm càng tốt.

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0