Mối lo an ninh hay vì lợi ích nhóm?
Trả lời trên một tờ báo điện tử, giám đốc một mạng di động cho rằng, về mặt kỹ thuật nhà mạng không thể kiểm soát được tất cả những gì mà doanh nghiệp OTT đang cung cấp. Điều này cũng đặt ra mối lo ngại về vấn đề an ninh khi bị kẻ xấu lợi dụng.
Với một dịch vụ trên nền Internet không phải do nhà mạng cung cấp, việc họ không thể kiểm soát được toàn bộ là điều đương nhiên. Các nhà mạng mà kiểm soát được toàn bộ nội dung trên Facebook, Yahoo hay Viber,… mới là chuyện lạ. Các chuyên gia an ninh mạng khẳng định, bất cứ một dịch vụ, ứng dụng nào trên nền web hay internet đều tồn tại nguy cơ để lộ thông tin cá nhân, chứ chẳng phải chỉ có các ứng dụng OTT.
Trên thực tế, các mạng di động mới chỉ nêu lên một phần sự thật bất lợi cho họ. Tuy nhiên, còn nhiều phần sự thật cần được khẳng định là: Các ứng dụng OTT như Viber đã mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người dùng VN.
Nhờ có nó, hàng triệu người dùng VN có thể nhắn tin (cả SMS và voice) miễn phí dễ dàng trên ĐTDĐ, nhiều người thậm chí còn có thể gọi điện miễn phí. Số người dùng OTT đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng cho thấy những tiện ích mà các ứng dụng OTT mang lại hữu ích cho họ như thế nào.
Tuy nhiên, đối với nhà mạng, lợi ích OTT mang lại cho cộng đồng chưa hẳn là niềm vui đối với họ, bởi họ bị ảnh hưởng về doanh thu ở những dịch vụ truyền thống như gọi điện và nhắn tin. Năm 2012, lợi nhuận của tập đoàn Viettel hơn 1,2 tỉ USD (27.000 tỉ đồng), còn VNPT khoảng 8.5000 tỉ đồng.
Năm 2013, Viettel đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 1,6 tỉ USD (34.000 tỉ đồng) và VNPT là gần 10.000 tỉ đồng. Với những con số lợi nhuận dự kiến kếch xù như vậy, việc nhà mạng than phiền bị OTT “lấy mất doanh thu” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đi kèm theo sự than phiền đó lại là đề xuất tăng cước 3G được úp mở phát biểu trong thời gian gần đây mới là mục tiêu chính.
Khả năng tăng cước treo trên đầu người dùng
Hai năm trước đây, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, những ngân hàng tại VN với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng bị lên án kịch liệt vì muốn giữ biên lợi nhuận cao. Từ đó, dư luận xã hội đã yêu cầu hệ thống ngân hàng phải chia sẻ khó khăn với nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tiếp sau đó, các nhà băng đều hạ lãi suất cho vay và chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để thể hiện trách nhiệm đối với xã hội.
Còn giờ đây, một câu chuyện khác đang xảy ra với ngành viễn thông. Những năm trước đây ngành viễn thông luôn được coi là đi đầu trong việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Thế nhưng hiện nay, để bảo vệ khoản lợi nhuận hàng tỉ USD, các mạng viễn thông đã “đổ tội” lên “đầu” OTT, và lăm le tăng cước 3G.
Nếu so sánh với các ngân hàng thương mại, các hãng viễn thông VN như Viettel hay VNPT có lãi nhiều hơn, lên đến hàng tỉ USD. Thế nhưng, thay vì có thể chia sẻ với hàng chục triệu người tiêu dùng VN trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, thì ngược lại người tiêu dùng có khả năng sẽ phải trả thêm tiền cho dịch vụ 3G mình đang sử dụng vì nhà mạng muốn bảo vệ kế hoạch lợi nhuận hàng tỉ USD của mình.
Hàng chục triệu người dùng VN nên bảo vệ khoản lợi nhuận hàng tỉ USD của nhà mạng hay cần yêu cầu những đại gia này phải thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ khó khăn với họ như các ngân hàng đã làm? Người tiêu dùng chắc chắn sẽ không đồng ý với việc tăng cước trong bối cảnh chất lượng 3G hiện nay thường hay chập chờn.
Theo Vietnamnet.vn