|
Nguồn: Reuters |
Tuy nhiên, theo lời người phát ngôn của Toshiba, lô pin này chỉ "đôi khi cạn kiệt trong một thời gian ngắn" chứ không làm ai bị thương hay gặp phải tai nạn nào, giống như trong trường hợp của Dell.
Vụ scandal thu hồi pin bắt đầu nổ ra từ tháng trước, sau khi gã khổng lồ máy tính cá nhân Dell buộc phải tuyên bố thu hồi 4,1 triệu pin laptop bị lỗi. Không lâu sau đó, đến lượt Apple Computer cũng phải thu hồi 1,8 triệu pin vì lý do tương tự: pin có thể bị phát nhiệt quá cao và bốc cháy.
Trong cả hai trường hợp, pin đều là loại lithium-ion và do Sony Energy Devices, một công ty con của tập đoàn Sony Nhật Bản sản xuất. Lần này, với Toshiba, sẽ có 100.000 pin laptop được thu hồi tại Mỹ, 45.000 tại Nhật và số còn lại dành cho các khu vực khác trên thế giới.
Quyết định thu hồi pin của Toshiba ảnh hưởng tới các mẫu laptop thuộc dòng Dynabook và Satellite, được sản xuất trong thời gian từ tháng 3 - 5 năm nay. Tất nhiên, hãng sẽ đổi pin miễn phí cho khách hàng.
Có thể nói, việc Toshiba cũng phải thu hồi pin là một đòn mạnh giáng vào mọi nỗ lực vãn hồi tình thế và hình ảnh của Sony. Sau hai vụ Dell và Apple, uy tín của gã khổng lồ chế tạo ra máy nghe nhạc Walkman cùng máy game PlayStation này bị suy giảm nghiêm trọng.
Họa vô đơn chí. Đầu tháng này, Sony thông báo buộc phải hoãn phát hành máy chơi game mới nhất PS3 tại châu Âu sang tháng 3/2007 do thiếu hụt đầu đĩa Blu-ray tích hợp bên trong thiết bị này. Đúng ra, như dự kiến ban đầu, PS3 sẽ có mặt trên các kệ hàng từ tháng 11 năm nay tại Nhật và Mỹ, tuy nhiên, trên thực tế vào thời điểm đó, sẽ chỉ có rất ít máy PS3 đến được tay người tiêu dùng.
Chưa hết, tuần trước Sony cũng cho biết sẽ lùi ngày phát hành mẫu máy nghe nhạc Walkman mới lại một tuần (sang 23/9) do một bộ phận bị trục trặc.
Sony đang phải vật lộn vất vả để có thể "tái xuất giang hồ" sau khi bị Apple bỏ quá xa ở địa hạt máy nghe nhạc số còn các đối thủ khác hạ đo ván trên trận địa TV màn hình phẳng. Đây đều là những thị trường sôi động bậc nhất trong vài năm trở lại đây.
Theo Vietnamnet