Thuê bao gia tăng, nhà mạng vẫn lo
Năm ngoái, cứ mỗi tháng Ấn Độ lại có thêm từ 11 đến 19,9 triệu thuê bao di động. Và tính đến tháng 5/2010, Ấn Độ đã có trên 600 triệu thuê bao di động. Nhưng bên cạnh tốc độ tăng trưởng này, ngành viễn thông Ấn Độ đang đối mặt với cuộc chiến cạnh tranh giữa 13 nhà mạng. Thuê bao mới lại là những thuê bao chi tiêu thấp, đến từ các vùng nông thôn và thị trấn. Giá cước giảm, nhiều nhà mạng tung ra cách tính cước sát đến từng giây, ARPU bị đe dọa nghiêm trọng.
Cuộc chiến giá cước đã khiến giá cuộc gọi tại Ấn Độ chỉ còn chưa đến 1 cent/phút (khoảng 190 đồng/phút). Hiện nay, trên thế giới chỉ có Pakistan và Bangladesh có mức ARPU thấp hơn Ấn Độ. Theo hãng tài chính Merrill Lynch, trong năm 2009, ARPU của Ấn Độ đã giảm 25%, và năm nay dự đoán mức giảm sẽ là 22%. Tệ hơn, thuế viễn thông tại Ấn Độ tương đối cao (33%). Tất cả các yếu tố trên khiến lợi nhuận của các nhà mạng giảm sút mạnh mẽ.
Chẳng hạn như, Idea Cellular, một hãng di động GSM hàng đầu ở Ấn, báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm 23%/năm. Tương tự, lợi nhuận hàng quý của hãng viễn thông lớn nhất Ấn Độ Bharti Airtel, giảm từ 552 triệu USD trong quý II/2009, xuống còn 509 triệu USD trong quý III và chỉ còn 484,6 triệu trong quý IV/2009. Mới đây, hãng tin Bloomberg đưa tin đại gia viễn thông Ấn Reliance Communications Ltd sẽ phải giảm bớt gánh nặng nợ nần ít nhất 3 tỷ USD bằng cách bán đi khoảng 50.000 trạm BTS.
Cổ phiếu hai đại gia di động Ấn là Reliance và Bharti đã giảm sút. Năm ngoái, cổ phiếu Bharti giảm 7,8% giá trị, còn cổ phiếu Reliance mất 24% giá trị. Trong khi đó, dự đoán 2 năm nữa cuộc cạnh tranh hiện nay sẽ còn ảnh hưởng xấu đến doanh thu các hãng di động.
Không những khốn khổ vì thị trường cạnh tranh gắt gao, các nhà mạng Ấn Độ còn gặp tình cảnh thiếu băng tần, trong khi đó, vô số lần trì hoãn đấu giá băng tần 3G cũng gây bất lợi cho các hãng viễn thông Ấn Độ. Thiếu tần số khiến chất lượng dịch vụ sa sút, cuộc gọi bị rớt và ngắt giữa chừng trở thành “chuyện bình thường”.
“Trì hoãn đấu giá 3G nhiều lần, các nhà mạng không thể lên kế hoạch đầu tư”, Kasturi Bhattacharjee, giám đốc tư vấn về viễn thông của PricewaterhouseCoopers, nói. “Cũng vì thế, các hãng sản xuất thiết bị không thể bán hàng. Và tất nhiên, nó ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp viễn thông”. Sự trì hoãn khiến Ấn Độ tụt hậu hơn các quốc gia khác trong việc triển khai các dịch vụ 3G.
Cạnh tranh, nhà mạng phải chi “đậm” cho 3G
Cuối cùng thì cuộc đấu giá băng tần 3G tại Ấn Độ cũng diễn ra, chính phủ thu về số tiền khá “khủng” là gần 15 tỷ USD. Báo chí nước ngoài bình luận các hãng viễn thông Ấn đã phải “cắn răng” bỏ số tiền lớn để lấy bằng được giấy phép 3G, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường vốn cạnh tranh rất cao. Hãng di động hàng đầu Ấn Độ Bharti Airtel đã bỏ ra 2,6 tỷ USD trong cuộc đấu giá này, đã phải lên tiếng “hình thức đấu giá cùng với tình trạng thiếu hụt băng tần trầm trọng đã đẩy giá lên cao quá mức hợp lý”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để nói liệu các dịch vụ 3G có cải thiện doanh thu cho các hãng hay không. Thậm chí, các hãng viễn thông có thể sẽ phải kêu gọi nguồn quỹ đầu tư để tung ra các dịch vụ 3G.
Một số nhà phân tích dự đoán áp lực tăng doanh thu có thể khiến những hãng không có băng tần 3G và những hãng di động mới tìm cách sáp nhập để tồn tại. “Tình thế này sẽ tác động đến những nhà mạng nhỏ, tiềm lực tài chính yếu”, Nupur Singh Andley, nhà phân tích cao cấp của Springboard Research, nói. “Và cuối cùng sẽ là các cuộc thâu tóm, sáp nhập”.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn khẳng định cuộc chiến giá tại Ấn Độ sẽ diễn ra cho đến khi các nhà mạng vào cuộc thâu tóm, sáp nhập lẫn nhau. Song hiện nay các nhà mạng mới tại Ấn vẫn chưa được phép sáp nhập với các hãng di động lớn hơn, vì theo quy định, họ phải triển khai kinh doanh 3 năm sau khi được cấp phép.
Theo www.ictnews.vn