Ông Đào Kiến Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết EMDDI là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều đơn vị vận tải trên cùng hệ thống mà không làm mất đi tính chủ động của họ.
ĐHQG Hà Nội và các doanh nghiệp ký kết thoả thuận hợp tác sử dụng EMDDI. Ảnh: Ngọc Toản
Cụ thể, các đơn vị sử dụng ứng dụng này có thể tự cấu hình hệ thống của mình một cách độc lập như tự thiết lập các loại dịch vụ (xe máy, xe 4 chỗ xe 7 chỗ, xe đường dài, taxi, giao hàng), chế độ tính cước, phương thức chọn đường đi, chính sách khuyến mại…
Khác với Uber /Grab, phần mềm này cho phép các đơn vị vận tải sử dụng để làm những điều tương tự và trở thành chủ thể kinh doanh như Uber/Grab, chỉ với 10 phút thiết lập cấu hình kinh doanh. Về phía người dân đi xe, chỉ cần cài đặt một phần mềm (app) duy nhất.
Phần mềm này có khả năng phân biệt chính xác địa giới hành chính, cho phép khách được tự chọn hoặc sẽ chọn xe phù hợp nhất cho khách. Ở địa phương nào, EMDDI sẽ tự động kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải ở đó. Trong trường hợp ở tại một địa phương có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, EMDDI cho phép khách được tự chọn hoặc để EMDDI tự động chọn xe phù hợp nhất cho khách.
Với việc dùng một app duy nhất cho tất cả các đơn vị vận tải hành khách trên phạm vi cả nước, EMDDI giúp người dân cảm thấy dễ dàng trong việc gọi xe, không cần phải biết sẽ sử dụng của ai tại địa phương. Việc sử dụng chung cộng đồng hành khách tạo ra sự cộng hưởng giữa các đơn vị vận tải, nâng cao sức mạnh cạnh tranh.
EMDDI sử dụng công nghệ lõi tiên tiến, có sức chịu tải cao, khả năng kháng lỗi tốt, có thể hoạt động ngay cả khi mất kết nối 3G tạm thời, hoặc ứng dụng bị ngắt đột ngột. EMDDI đã kết hợp với công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử EPAY để tích hợp các chức năng thanh toán điện tử trong hệ thống.
Phần mềm này đã được Bộ Giao thông Vận tải chính thức cấp phép tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Ứng dụng đã triển khai tại các địa phương như Thái Nguyên, Khánh Hoà, Lâm Đồng, v.v..
GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, ĐHQG Hà Nội đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình “4 trong 1” từ ý tưởng đến nghiên cứu sáng tạo; phát minh, sáng chế, sở hữu trí tuệ và chuyển giao tri thức và khởi nghiệp. Trong đó, các vườn ươm kinh doanh, các công ty spin-off, các doanh nghiệp xã hội phải được triển khai đồng bộ. Việc phát triển các sản phẩm hoàn chỉnh, hướng đến người dùng trực tiếp, thương mại hóa trực tiếp, góp phần gia tăng giá trị được triển khai trong khuôn viên đại học.
Theo Vietnamnet.vn