Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009, do Bộ Công thương vừa công bố cuối tháng 4/2010, thương mại điện tử đã khẳng định được vai trò của mình với tư cách là công cụ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng theo bản báo cáo này, hoạt động mua bán hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đã trở thành một xu hướng thực sự và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới, khi thanh toán điện tử trở nên phổ biến và quen thuộc hơn với người tiêu dùng.
Kết quả khảo sát của Bộ Công thương với trên 2.000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 12% số doanh nghiệp được hỏi có tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Alibaba, ECVN, vatgia, chodientu, 123mua... và 48% số doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử đánh gia cao hiệu quả của việc tham gia này.
Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, trong số các doanh nghiệp chưa tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, có tới 76% khẳng định sẽ tham gia giao dịch trong thời gian tới.
Những con số nêu trên cho thấy tiềm năng lớn của giao dịch thương mại điện tử trong thời gian tới. Các doanh nghiệp mở sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đã nhìn thấy tiềm năng này. Chẳng hạn, 123mua dự định sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, đối tượng dịch vụ và cung cấp thêm dịch vụ mới cho khách hàng trong năm nay. Trong khi đó, đại diện chodientu khẳng định, các cá nhân và doanh nghiệp trong nước ngày càng quan tâm hơn tới hình thức mua bán trực tuyến, nên thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đem lại nguồn thu khá lớn trong vài năm tới.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là, mặc dù Bộ Công thương đưa ra báo cáo thương mại điện tử Việt Nam hàng năm, nhưng các doanh nghiệp làm thương mại điện tử lại “đói” thông tin liên quan đến lĩnh vực này. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phụ trách 123mua của VNG cho biết, VNG rất mong muốn Bộ Công thương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra báo cáo tổng quan về tình hình phát triển Internet ở Việt Nam, thói quen của người sử dụng, đặc biệt là các thông số về thương mại điện tử như sức mua, số lượng giao dịch, doanh thu của các website thương mại điện tử hàng đầu.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, Bộ Công thương cũng cần đưa vấn đề chống gian lận trong thương mại điện tử vào Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 mà Bộ đang soạn thảo, vì gian lận trong thương mại điện tử đang là một vấn đề nan giải.
Cũng theo ông Lâm, bên cạnh việc ứng dụng các lớp bảo mật như chứng chỉ số SSL (Secure Socket Layer - lớp ổ cắm bảo mật), thì cũng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý các đối tượng vi phạm, xây dựng môi trường giao dịch trực tuyến lành mạnh, an toàn.
Theo Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, để đảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử, ngoài việc nâng cao nhận thức của các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử, cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ chứng thực chữ ký số, triển khai dịch vụ chứng thực SSL...
Theo baodautu.vn