|
Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam công bố chỉ số ICT Index 2006. |
Đây là bản báo cáo được thực hiện thường niên vào tháng 8 hàng năm do Văn Phòng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT phối hợp cùng với Hội Tin Học VN thực hiện qua việc thu thập, cung cấp các số liệu từ các đối tượng trực tiếp tham gia.
Bắt đầu từ năm 2003, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã có sáng kiến xây dựng bản báo cáo ICT index, sẽ được công bố vào cuộc hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT được tổ chức vào dịp tháng 8 hoặc tháng 9 hàng năm.
Mục tiêu của Việt Nam ICT Index là việc đánh giá mức độ sẵn sàng cho việc phát triển, ứng dụng CNTT-TT của các Bộ, Nghành, các tỉnh, thành phố, góp phần làm sáng tỏ bức tranh toàn cảnh về phát triển và ứng dụng CNTT-TT của Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng còn giúp cho các Tỉnh, TP cũng như các Bộ, Nghành hiểu rõ thực trạng ứng dụng CNTT-TT của đơn vị mình để có biện pháp, chính sách phù hợp, nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT-TT phục vụ các mục tiêu chính trị -kinh tế -xã hội của ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Điểm đặc biệt của VN ICT Index 2006 là có 64/64 Tỉnh, TP và 34/34 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, CQ trực thuộc Chính Phủ gửi báo cáo tham gia. Bên cạnh việc xếp hạng chung, ICT Index còn xếp hạng cụ thể từng chỉ số về hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng, sản xuất và kinh doanh, môi trường chính sách, và nguồn nhân lực của từng bộ/ngành, tỉnh/thành và các doanh nghiệp ứng dụng CNTT-TT ; xếp hạng các tỉnh/thành theo từng khu vực, và vùng kinh tế.
Sự vươn lên của Thừa thiên - Huế
Các tỉnh, thành phố được đánh giá và xếp hạng chung theo 3 nhóm : Mhóm có độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-TT ở mức khá (1) ; nhóm có độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT-TT ở mức vừa (2) và nhóm có độ sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT ở mức thấp (3), với 5 chỉ số: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng CNTT, sản xuất - kinh doanh CNTT và môi trường chính sách.
Theo đó, TP. HCM và Hà Nội xứng đáng là hai thành phố dẫn đầu cả nước về sự sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT. Đây là hai địa phương có tiềm năng mạnh nhất về CNTT-TT và có sự sẵn sàng cao nhất cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT. Cá biệt, trong nhóm bảng xếp hạng chung, tỉnh Thừa Thiên Huế và Bình Dương đã làm một bước nhảy ngoạn mục từ hạng 16 và 12 lên hạng 3 và 4, đẩy hai địa phương xếp ở hai hạng này năm trước là Đà Nẵng và Cần Thơ xuống hạng 5 và 8.
Trong bảng xếp hạng theo nhóm chỉ tiêu ứng dụng CNTT, TP.HCM đứng đầu với 0.67 điểm trong khi đó đứng đầu bảng năm 2005 là Cần Thơ thì năm 2006 lại tụt xuống vị trí thứ 7 với 0.34 điểm. Hà Nội đứng thứ nhì trong bảng xếp hạng năm 2006 với 0.65 điểm và Đà Nẵng đứng thứ 3 với 0.40 điểm. Như vậy các trung tâm kinh tế lớn được xem là nơi có môi trường, chính sách tốt cho CNTT-TT.
Trong bảng xếp hạng về môi trường, chính sách dành cho CNTT, TPHCM cùng với Hà Nội và 10 tỉnh, TP khác đều đồng xếp đầu bảng. Như vậy, các trung tâm kinh tế lớn, những nơi thu hút đầu tư hàng đầu cả nước đều có mặt trong bảng xếp hạng này, ngoại trừ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong nhóm 1 có mặt tất cả các thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh còn lại trong nhóm này cũng đều là các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Riêng sự có mặt của Bắc Ninh với vị trí thứ 9 và Vĩnh Phúc vị trí thứ 10 cho thấy lãnh đạo 2 tỉnh này rất quan tâm với việc ứng dụng và hạ tầng nhân lực cho ngành CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngược lại, có 1 số tỉnh rơi từ nhóm khá trong năm 2005 xuống nhóm trung bình năm 2006 như Lâm Đồng (từ hạng 8 xuống 22), Qủang Ninh (từ hạng 9 xuống 29). Các địa phương từ nhóm trung bình tụt xuống nhóm thấp như Bình Phước (từ hạng 22 xuống hạng 56), Hà Tĩnh (từ hạng 23 xuống hạng 52) và An Giang (từ hạng 25 xuống 52). Đặc biệt là tỉnh Hải Dương đang từ hạng 18 tụt xuống hạng 45 với một số điểm rất thấp.
Bước tiến vượt bậc của ngành Giáo dục - Đào tạo
Ở nhóm các bộ, ngành, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo gây sự chú ý với việc nhảy vọt thứ hạng từ hạng 25 năm 2005 lên hạng 1 năm 2006 nhờ việc cung cấp những thông tin chuyên môn, giáo án điện tử của ngành lên mạng Internet.
Bộ Tài Chính, nhờ triển khai ứng dụng CNTT mạnh mẽ nên năm 2006 đã đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng CNTT và đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng chung, khiến Bộ Công Thương(trước là Bộ Thương Mại ) năm 2005 đứng đầu thì nay tụt xuống vị trí thứ 3. Đối với hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên thì vị trí đó của Bộ Tài Chính được xem là một kết quả rất ấn tượng.
Các bộ khác có sự nhảy vọt gồm Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (từ hạng 26 lên 11), Bộ Thủy sản (nay sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - từ hạng 24 lên 15), Uỷ ban Dân tộc (từ hạng 21 lên 16), Bộ Lao động, thương binh và xã hội (từ hạng 23 lên 17).
Trái ngược với những đơn vị có sự tiến bộ về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT là nhiều đơn vị “rơi” tự do khá nhiều bậc. Bộ Giao thông vận tải từ vị trí thứ 4 tụt xuống vị trí 14. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ hạng 6 xuống hạng 22. Bộ Tư pháp từ hạng 7 xuống hạng 13. Tổng cục Du lịch từ hạng 8 xuống hạng 12. Viện Khoa học – công nghệ VN từ hạng 12 xuống hạng 20. Thảm hại nhất là Bộ Xây dựng khi “rơi” từ hạng 9 xuống hạng 28, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) từ hạng 11 tụt xuống hạng 26.
Theo Vietnamnet